Sáng 41
41
Điềm Chiêm Bao của Pha-ra-ôn
1Cách hai năm sau, Pha-ra-ôn thấy một điềm chiêm bao. Nầy, ông đứng bên bờ sông. 2Thình lình từ dưới sông bảy con bò cái đi lên, trông khỏe mạnh và béo tốt. Chúng đến ăn cỏ trong đám sậy bên sông. 3Và này, từ dưới sông lại có bảy con bò cái khác đi lên sau đó, hình dáng xấu xí và gầy còm. Chúng đến gần bảy con bò cái kia nơi bờ sông. 4Các bò cái xấu xí và gầy còm đó nuốt bảy bò cái khỏe mạnh và béo tốt. Pha-ra-ôn bèn giật mình thức giấc.
5Sau đó ông ngủ lại và thấy chiêm bao lần thứ hai. Thình lình ông thấy có bảy gié lúa chắc và tốt, mọc chung với nhau trên một cọng lúa. 6Kế đó bảy gié lúa khác vừa lép và vừa bị gió đông làm cháy sém mọc ra tiếp theo. 7Rồi bảy gié lúa lép nuốt bảy gié lúa chắc và tốt. Pha-ra-ôn giật mình thức giấc lần nữa, và này, đó chỉ là một giấc chiêm bao.
8Sáng ngày tâm thần ông bối rối. Ông truyền lịnh gọi tất cả nhà thông thái và tất cả học giả lỗi lạc của Ai-cập đến. Pha-ra-ôn thuật lại các điềm chiêm bao của ông cho họ, nhưng chẳng ai có thể giải nghĩa các điềm chiêm bao ấy cho ông.
9Bấy giờ quan chánh chước tửu tâu với Pha-ra-ôn, “Bây giờ hạ thần mới nhớ đến lỗi của hạ thần. 10Trước kia Pha-ra-ôn có nổi giận với bầy tôi của hoàng thượng. Hoàng thượng đã giam hạ thần trong ngục thất của dinh quan chỉ huy quân thị vệ, đúng ra là hạ thần và quan ngự thiện nữa. 11Cùng một đêm kia, hạ thần và ông ấy mỗi người thấy một điềm chiêm bao khác nhau. Mỗi điềm chiêm bao của chúng thần có ý nghĩa riêng của nó. 12Lúc ấy cũng có một thanh niên Hê-bơ-rơ bị giam chung với chúng thần. Nó là đầy tớ của quan chỉ huy quân thị vệ. Chúng thần kể cho nó nghe điềm chiêm bao của mình, và nó giải nghĩa các điềm chiêm bao ấy cho chúng thần; giấc mơ của ai, nó giải nghĩa cho người ấy. 13Và sự việc đã xảy ra đúng y như lời nó giải nghĩa. Hoàng thượng đã cho hạ thần được phục chức, còn ông kia đã bị xử treo cổ.”
14Pha-ra-ôn liền truyền cho đem Giô-sép vào cung. Người ta vội vàng đem Giô-sép ra khỏi ngục, cạo râu, cắt tóc, và thay đổi y phục để đưa vào chầu Pha-ra-ôn.
15Pha-ra-ôn nói với Giô-sép, “Ta đã nằm mơ và thấy chiêm bao, nhưng không ai có thể giải nghĩa cho ta được. Ta nghe nói rằng ngươi có thể hiểu và giải nghĩa điềm chiêm bao được.”
16Giô-sép tâu với Pha-ra-ôn, “Thưa, không phải tôi mà là Đức Chúa Trời; Ngài sẽ ban cho Pha-ra-ôn câu giải đáp để đức vua được bình an.”
17Bấy giờ Pha-ra-ôn nói với Giô-sép, “Nầy, trong điềm chiêm bao, ta thấy ta đứng bên bờ sông. 18Thình lình bảy con bò cái từ dưới sông đi lên, trông mạnh khỏe và béo tốt; chúng đến ăn cỏ trong đám sậy bên sông. 19Kế đó bảy con bò cái khác đi lên sau chúng; đó là những con bò ốm yếu, rất xấu xí, và gầy còm. Ta chưa hề thấy một con bò nào xấu xí như thế trong toàn xứ Ai-cập. 20Đoạn các bò cái gầy còm và xấu xí nuốt bảy bò cái béo tốt đã đi lên trước chúng. 21Dù chúng đã nuốt bảy con bò mập, nhưng không ai có thể nghĩ rằng chúng đã nuốt các con bò mập ấy, vì chúng vẫn còn xấu xí y như trước. Bấy giờ ta giật mình thức giấc.
22Ta lại thấy trong giấc chiêm bao của ta, này, bảy gié lúa mọc ra trên một cọng lúa; chúng đều chắc và tốt. 23Và này, bảy gié lúa khác, vừa héo, lép, và bị cháy sém vì gió đông, mọc ra sau chúng. 24Các gié lúa lép nuốt bảy gié lúa chắc. Ta đã thuật lại các điềm chiêm bao ấy cho các nhà thông thái, nhưng không ai có thể giải nghĩa chúng cho ta.”
25Bấy giờ Giô-sép tâu với Pha-ra-ôn, “Thưa hai điềm chiêm bao của Pha-ra-ôn đều có cùng một ý nghĩa. Đức Chúa Trời đã cho Pha-ra-ôn biết trước những gì Ngài dự tính sẽ thực hiện. 26Bảy con bò cái mập là bảy năm; bảy gié lúa chắc cũng là bảy năm. Cả hai điềm chiêm bao ấy đều có cùng một ý nghĩa. 27Bảy con bò cái gầy còm và xấu xí đi lên sau các con bò mập là bảy năm; bảy gié lúa lép và cháy sém vì gió đông cũng chỉ về bảy năm đói kém. 28Đây là điềm tôi đã thưa với Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời đã tỏ cho Pha-ra-ôn biết những gì Ngài sắp sửa làm. 29Quả thật, trong khắp nước Ai-cập sẽ có bảy năm được mùa dư dật. 30Nhưng tiếp sau đó là bảy năm đói kém. Tất cả những dư thừa sẽ bị quên đi trong nước Ai-cập, và nạn đói sẽ làm cho đất nước trở nên kiệt quệ. 31Vì nạn đói quá lớn theo sau những năm được dư dật trong nước, nên người ta sẽ không còn nhớ đến sự dư thừa ấy nữa. 32Điềm chiêm bao ấy được lặp lại cho Pha-ra-ôn hai lần có nghĩa là Đức Chúa Trời đã nhất định sẽ thực hiện điều ấy, và Đức Chúa Trời sẽ cho điều ấy xảy ra không bao lâu nữa đâu.
33Vậy bây giờ kính xin Pha-ra-ôn chọn một người thông minh và khôn sáng, rồi lập người ấy trên cả nước Ai-cập. 34Xin Pha-ra-ôn sớm thực hiện điều ấy, và cũng xin đức vua cho lập những viên chức trong khắp nước để thu góp một phần năm hoa lợi trong bảy năm được mùa dư dật trong cả nước Ai-cập. 35Xin để họ thu góp thực phẩm trong những năm được mùa sắp đến và chứa trong các kho dưới quyền quản lý của Pha-ra-ôn, và xin truyền cho người ta lập các kho tích trữ lương thực trong các thành. 36Rồi những thực phẩm đó sẽ trở thành thực phẩm dự trữ cho cả nước trong bảy năm đói kém sẽ xảy ra trong nước Ai-cập, để đất nước này sẽ không bị tiêu diệt trong giai đoạn đói kém.”
Giô-sép Được Làm Tể Tướng
37Những lời đó đẹp lòng Pha-ra-ôn và tất cả quần thần của ông. 38Pha-ra-ôn nói với bầy tôi của ông, “Chúng ta có thể tìm được một người như người này, một người có Thần của Đức Chúa Trời ngự bên trong chăng?”
39Bấy giờ Pha-ra-ôn nói với Giô-sép, “Vì Đức Chúa Trời đã cho ngươi biết tất cả những điều này. Không ai thông minh và khôn sáng như ngươi. 40Ngươi sẽ cai trị cả nhà ta. Toàn dân ta sẽ vâng lời ngươi. Ta chỉ lớn hơn ngươi vì ngôi vua mà thôi.”
41Pha-ra-ôn lại nói với Giô-sép, “Nầy, ta lập ngươi trị vì trên toàn cõi Ai-cập.” 42Rồi Pha-ra-ôn lấy chiếc nhẫn làm ấn dấu ra khỏi tay mình và đeo vào tay Giô-sép. Đoạn ông truyền mang y phục bằng vải gai mịn đến mặc cho chàng, rồi ông đeo vào cổ chàng một dây chuyền bằng vàng. 43Ông đặt chàng ngồi trên xa giá thứ hai của ông, và cho người đi trước hô to, “Hãy quỳ xuống!” Vậy ông lập chàng trị vì trên cả nước Ai-cập.
44Pha-ra-ôn nói với Giô-sép, “Ta, Pha-ra-ôn, truyền rằng: Nếu không có lệnh của ngươi, không ai được phép nhấc tay hay chân mình lên trong khắp nước Ai-cập.”
45Pha-ra-ôn đặt tên cho Giô-sép là Xáp-nát Pa-a-nê-a, và gả A-sê-nát ái nữ của Pô-ti Phê-ra tư tế Thành Ôn cho chàng làm vợ. Sau đó Giô-sép đi kinh lý khắp nơi trong nước Ai-cập.
46Giô-sép được ba mươi tuổi khi được trình diện Pha-ra-ôn vua Ai-cập. Giô-sép rời khỏi triều đình Pha-ra-ôn và đi kinh lý khắp nước Ai-cập. 47Bấy giờ trong bảy năm được mùa, đất đai đã sinh sản hoa màu dư dật. 48Vì thế ông cho thu góp lương thực trong suốt bảy năm được mùa ở Ai-cập và tích trữ trong các thành. Trong mỗi thành, ông cho thâu trữ lương thực do những ruộng rẫy xung quanh thành đó sản xuất. 49Giô-sép thâu trữ lúa thóc nhiều như cát nơi bờ biển, đến nỗi người ta ngưng việc đong lường, vì chúng quá nhiều, không đếm xuể.
50Giô-sép sinh được hai con trai trước khi nạn đói xảy ra, đó là hai con do A-sê-nát ái nữ của Pô-ti Phê-ra tư tế Thành Ôn sinh cho ông. 51Giô-sép đặt tên con đầu lòng là Ma-na-se,#Ma-na-se nghĩa là làm cho quên đi vì ông nói, “Đức Chúa Trời đã làm tôi quên tất cả nỗi lao khổ của tôi và tất cả những oán hận đối với nhà cha tôi.”#nt: tất cả nhà cha tôi 52Ông đặt tên con thứ hai là Ép-ra-im,#Ép-ra-im nghĩa là sinh sôi nảy nở, hay kết quả nhiều vì ông nói, “Đức Chúa Trời đã làm tôi được sinh sôi nảy nở trong xứ tôi chịu khổ cực.”
53Sau đó bảy năm được mùa dư dật trong nước Ai-cập chấm dứt, 54và bảy năm đói kém bắt đầu đến, y như lời Giô-sép đã nói. Nạn đói ấy xảy ra khắp đất, nhưng tại Ai-cập dân chúng vẫn có bánh ăn. 55Khi toàn thể nước Ai-cập bị nạn đói hoành hành, dân chúng đến kêu nài với Pha-ra-ôn để xin lương thực. Pha-ra-ôn nói với toàn dân Ai-cập, “Hãy đến với Giô-sép. Hễ ông ấy bảo gì, các ngươi hãy làm theo như vậy.” 56Nạn đói tràn lan khắp mặt đất, Giô-sép mở các kho lương thực và bán lúa cho người Ai-cập, vì nạn đói ấy mỗi ngày một trở nên tàn khốc trong nước Ai-cập. 57Người ta từ mọi xứ kéo đến tìm Giô-sép ở Ai-cập để mua lúa, bởi vì nạn đói ấy quá trầm trọng trên khắp mặt đất.
Đang chọn:
Sáng 41: BD2011
Tô màu
Chia sẻ
Sao chép
Bạn muốn lưu những tô màu trên tất cả các thiết bị của mình? Đăng ký hoặc đăng nhập
© 2011 Bau Dang. All rights reserved.